I. PHÒNG PHÁP CHẾ - THANH TRA - AN TOÀN AN NINH HÀNG HẢI.
1. Vị trí và chức năng
Phòng Pháp chế - Thanh tra - An toàn, an ninh hàng hải là bộ phận chuyên môn nghiệp vụ tham mưu giúp Giám đốc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về pháp chế, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại cảng biển và khu vực quản lý; nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hàng hải và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
2. Nhiệm vụ
2.1. Chủ trì góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực hàng hải theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và xây dựng các văn bản về quản lý hoạt động hàng hải thuộc thẩm quyền của Giám đốc;
2.2. Chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế về hàng hải, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.
2.3. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về pháp chế:
- Tổ chức thường trực 24/7 thực hiện thủ tục hành chính để cấp phép tàu thuyền và lập kế hoạch điều động cho tàu thuyền đến, rời, hoạt động tại cảng biển và khu vực quản lý; tiếp nhận, xử lý thông tin tàu thuyền trước khi đến, rời và hoạt động tại cảng biển, các thông tin cấp cứu khẩn cấp, trợ giúp y tế, tìm kiếm cứu nạn;
- Thực hiện trực, tiếp nhận, theo dõi thông tin đường dây nóng, báo cáo lãnh đạo xử lý theo thẩm quyền;
- Chủ trì tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính của Cảng vụ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước của Cục Hàng hải Việt Nam;
- Chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển;
- Thực hiện xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải; thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tạm giữ tàu biển theo quy định;
- Đề xuất kế hoạch điều động tàu thuyền đi tránh bão, tàu thuyền tham gia tìm kiếm cứu nạn hoặc xử lý sự cố ô nhiễm môi trường trong vùng nước cảng biển;
- Đề xuất việc thu hồi các tài liệu, giấy chứng nhận không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hoặc thực hiện thu hồi tài liệu, giấy chứng nhận theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển, vận tải biển, công nghiệp tàu thủy và tổ chức giám sát thực hiện trong khu vực quản lý sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Tổ chức thực hiện quy định về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý; kiểm tra, giám sát luồng, hệ thống báo hiệu hàng hải, công trình hàng hải; kiểm tra hoạt động hàng hải của tổ chức, cá nhân tại cảng biển và khu vực quản lý;
- Chủ trì kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch đối với các cơ sở đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển theo thẩm quyền;
- Chủ trì thực hiện quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển trong khu vực quản lý;
- Tổ chức kiểm tra giám sát việc duy tu, kiểm định cầu, bến cảng biển;
- Tổ chức thực hiện cảnh giới, đảm bảo không để xảy ra các nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và ô nhiễm môi trường;
- Kiểm tra an toàn cầu cảng, bến bãi, kho bãi, hệ thống phao tiêu báo hiệu hàng hải, dịch vụ hậu cần sau cảng;
- Chủ trì phê duyệt và tổ chức giám sát thực hiện phương án bảo đảm an toàn hàng hải theo quy định của pháp luật;
- Chủ trì thực hiện giám sát giá dịch vụ hàng hải; quản lý vận tải biển; tuyến vận tải thủy từ Cửa Việt ra đảo Cồn Cỏ;
- Chủ trì thực hiện công bố thông báo hàng hải theo thẩm quyền.
2.4. Thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành:
a) Chủ trì xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm để báo cáo Giám đốc trình Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
b) Thanh tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành hàng hải, quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về hàng hải mà Việt Nam là thành viên trong các lĩnh vực sau:
- Bảo đảm an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong xây dựng cảng biển; quản lý, khai thác cảng biển; bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải; cơ sở đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển;
- Quản lý, khai thác luồng hàng hải, kết cấu hạ tầng cảng biển, hệ thống trợ giúp hàng hải;
- Hoạt động cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải;
- Hoạt động vận tải biển và dịch vụ hàng hải;
- Hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, quản lý, tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tại cảng biển;
- Hoạt động của hoa tiêu hàng hải;
- Hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hàng hải, báo cáo, điều tra, xử lý tai nạn hàng hải;
- Hoạt động trục vớt tài sản chìm đắm ở biển và trong vùng nước cảng biển được giao.
c) Chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện kết luận của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp có thẩm quyền đối với các nội dung liên quan đến trách nhiệm của Cảng vụ; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của cơ quan.
d) Tổ chức tiếp công dân; chủ trì tham mưu xử lý, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Giám đốc.
đ) Tham mưu cho Giám đốc về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng, phống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan; kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan.
e) Chủ trì công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải theo thẩm quyền.
2.5. Thực hiện nhiệm vụ về công tác an toàn hàng hải, an ninh hàng hải:
a) Chủ trì tổ chức thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về an toàn, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu thuyền hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý, cụ thể là:
- Kiểm tra nhà nước cảng biển đối với tàu biển nước ngoài đến cảng;
- Kiểm tra an toàn an toàn, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiêm môi trường đối với tàu biển Việt Nam và phương tiện thủy nội địa hoạt động trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý;
- Thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt.
b) Chủ trì công tác điều tra, xử lý theo thẩm quyền các tai nạn hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý.
c) Chủ trì công tác kiểm tra an toàn container tại các cảng biển trong khu vực quản lý; công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tại cảng biển.
d) Chủ trì xử lý tài sản chìm đắm theo thẩm quyền.
đ) Chủ trì tổ chức công tác phòng chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải; tìm kiếm, cứu người gặp nạn trong vùng nước cảng biển và phối hợp thực hiện quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng biển và khu vực quản lý.
e) Chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng biển và các lực lượng hữu quan trong phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển; hướng dẫn các doanh nghiệp cảng biển đánh giá an ninh cảng biển; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt.
g) Chủ trì phối hợp với Bộ đội Biên phòng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng biển và các lực lượng hữu quan, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cảng trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cảng biển.
2.6. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.
2.7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc giao.
II. PHÒNG TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN
1. Vị trí, chức năng
Phòng Tài chính - Kế toán là bộ phận chuyên môn nghiệp vụ tham mưu giúp Giám đốc về công tác tài chính, kế toán theo quy định.
2. Nhiệm vụ
2.1. Tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công tác thuộc chức năng tham mưu của Phòng.
2.2. Chủ trì xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn và hàng năm của Cảng vụ hàng hải.
2.3. Tổ chức quản lý, kiểm tra giám sát việc sử dụng tài sản được nhà nước giao, kinh phí do nhà nước cấp; thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính, ghi chép sổ sách kế toán theo quy định.
2.4. Thực hiện các quy định của pháp luật về thu, chi tài chính và các nghĩa vụ thanh toán công nợ.
2.5. Thực hiện việc tính, chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngoài giờ và các khoản thanh toán khác cho người lao động của đơn vị theo quy định hiện hành.
2.6. Thực hiện việc lập dự toán để đảm bảo cho các hoạt động quản lý của cơ quan theo quy định pháp luật hiện hành và theo hướng dẫn của Cục Hàng hải Việt Nam.
2.7. Thực hiện theo quy định về dự toán thu, chi, nộp ngân sách Nhà nước, thanh toán các chế độ, chính sách khác về tài chính trong nội bộ đơn vị.
2.8. Phối hợp với các bộ phận chuyên môn, Đại diện thuộc Cảng vụ hàng hải Quảng Trị thực hiện chế độ kiểm kê, giám sát mua sắm, thanh lý tài sản của cơ quan theo quy định hiện hành; phối hợp thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan;
2.9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc giao.
III. PHÒNG TỔ CHỨC - HÀNH CHÍNH
1. Vị trí, chức năng
Phòng Tổ chức - Hành chính là bộ phận chuyên môn nghiệp vụ tham mưu giúp Giám đốc về công tác tổ chức cán bộ, lao động, tiền lương, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, quy hoạch, hành chính, văn thư, lưu trữ, y tế, quân sự và bảo vệ chính trị nội bộ.
2. Nhiệm vụ
2.1. Tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công tác thuộc chức năng tham mưu của phòng.
2.2. Chủ trì tổ chức thực hiện quy hoạch cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Cảng vụ hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Hàng hải Việt Nam.
2.3. Tham mưu cho Giám đốc trong công tác sắp xếp, bố trí nhân sự của các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, Đại diện thuộc Cảng vụ. Xây dựng kế hoạch biên chế, tiền lương, công tác tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật.
2.4. Chủ trì xây dựng trình Giám đốc ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, các Đại diện trực thuộc Cảng vụ; tham mưu, đề xuất thành lập, giải thể các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, các Đại diện, thuộc Cảng vụ theo quy định.
2.5. Thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, từ chức, miễn nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định và phân cấp quản lý của Cục Hàng hải Việt Nam.
2.6. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của cơ quan; công tác tiền lương, nâng bậc lương, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, nghỉ hưu, thôi việc cho công chức, viên chức và người lao động.
2.7. Thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức và người lao động.
2.8. Thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ của cơ quan theo quy định; thực hiện công tác quốc phòng an ninh; huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ và khám sức khỏe định kỳ cho công chức, viên chức và người lao động.
2.9. Tham mưu cho Giám đốc trong việc nhận xét, đánh giá công chức, viên chức và người lao động; kê khai tài sản, công khai tài sản hàng năm.
2.10. Tổ chức quản lý và hướng dẫn thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, bao gồm:
a) Tiếp nhận, xử lý và phát hành các văn bản đi, đến và quản lý con dấu;
b) Sao y bản chính, sao lục, phôtô văn bản, tài liệu phục vụ công tác của lãnh đạo và các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, Đại diện thuộc cơ quan.
2.11. Thực hiện công tác hành chính, quản trị của cơ quan, bao gồm:
a) Thực hiện công tác lễ tân của các cuộc họp, hội nghị của đơn vị, bao gồm: mời họp, bố trí phòng họp, hướng dẫn nghi thức, thể thức trong việc đón tiếp khách, phục vụ tiếp khách.
b) Quản lý tài sản, khai thác sử dụng và bảo trì, sửa chữa trụ sở làm việc, nhà trạm, các công trình, hạng mục công trình xây dựng và các phương tiện thủy, bộ của cơ quan;
c) Bảo trì, bảo dưỡng định kỳ theo các nội dung liên quan đến phần mềm làm thủ tục tàu thuyền, trang Web của Cảng vụ; các trang thiết bị văn phòng; hệ thống điện, nước của cơ quan.
d) Chủ trì thực hiện công tác đầu tư; mua sắm tài sản, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ phục vụ hoạt động của cơ quan.
e) Chủ trì xây dựng các nội quy, quy chế liên quan đến hoạt động nội bộ của cơ quan.
2.12. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo theo quy định.
2.13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc giao.
IV. ĐẠI DIỆN CẢNG VỤ HÀNG HẢI QUẢNG TRỊ TẠI CỒN CỎ
1. Vị trí, chức năng
- Đại diện Cảng vụ hàng hải Quảng Trị tại Cồn Cỏ là đơn vị trực thuộc Cảng vụ hàng hải Quảng Trị, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hàng hải tại khu vực đảo Cồn Cỏ theo quy định pháp luật và phân cấp quản lý của Giám đốc.
- Đại diện Cảng vụ hàng hải Quảng Trị tại Cồn Cỏ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở làm việc theo định mức sử dụng tài sản nhà nước hiện hành.
2. Nhiệm vụ
2.1. Tổ chức thường trực 24/7 tại các khu vực được giao quản lý để thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tiếp nhận thông tin, dự kiến kế hoạch điều động, bố trí vị trí neo đậu cho tàu thuyền vào, rời vùng nước tại khu vực đảo Cồn Cỏ.
- Giải quyết thủ tục tàu thuyền vào, rời cảng trong khu vực quản lý theo quy định.
- Xem xét, chấp nhận các đề nghị của tàu thuyền, doanh nghiệp về hạ xuồng cứu sinh; sửa chữa, bảo dưỡng; lặn khảo sát; trục vớt tài sản chìm đắm; cung ứng hoa tiêu.
- Tiếp nhận, xử lý thông tin về tai nạn, sự cố hàng hải và tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước tại khu vực đảo Cồn Cỏ; tiếp nhận, truyền phát thông tin an ninh hàng hải theo phân cấp quản lý.
- Thực hiện thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải theo quy định;
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật hàng hải đối với tổ chức, cá nhân và tàu thuyền tham gia hoạt động hàng hải tại khu vực đảo Cồn Cỏ.
- Thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ theo ủy quyền của Giám đốc.
2.2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật Hàng hải Việt Nam, các điều ước quốc tế về hàng hải mà Việt Nam là thành viên và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2.3. Tham gia: sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hàng hải; nghiên cứu, đóng góp ý kiến trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển theo quy định; góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xử lý các văn bản liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ được giao và các quy định, quy chế của đơn vị.
2.4. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật hàng hải đối với tàu thuyền, các doanh nghiệp khai thác cảng, hoa tiêu hàng hải, vận tải biển và các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải khác tại khu vực đảo Cồn Cỏ theo quy định.
2.5. Tham mưu cho Gíám đốc trong việc chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại khu vực đảo Cồn Cỏ theo quy định.
2.6. Giải quyết theo thẩm quyền được giao và theo sự phân cấp quản lý của Giám đốc đối với một số vấn đề pháp luật khác phát sinh từ các hoạt động hàng hải tại khu vực đảo Cồn Cỏ theo quy định.
2.7. Phát hiện, lập biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; phối hợp, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
2.8. Phối hợp thực hiện công tác phòng chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước tại khu vực đảo Cồn Cỏ theo quy định.
2.9. Tham gia giải quyết sự cố, tai nạn hàng hải xảy ra tại khu vực hàng hải được giao quản lý.
2.10. Tổ chức thu, nộp phí, lệ phí hàng hải, các loại phí, giá dịch vụ... mà đơn vị thu hộ theo quy định của pháp luật, quy trình, quy tắc kiểm soát thu của cơ quan.
2.11. Quản lý các khoản chi theo phân cấp và phương án khoán chi của cơ quan.
2.12. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo các số liệu, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước về hàng hải.
2.13. Quản lý, điều động phương tiện, thiết bị, tài sản được giao phục vụ hoạt động quản lý của Đại diện.
2.14. Phối hợp với các phòng nghiệp vụ thực hiện các nhiệm vụ có liên quan và thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc.